1. Trường Đại học Quy Nhơn - một điểm đến ba ý nghĩa

Tòa nhà Trung tâm mới (15 tầng) của Trường Đại học Quy Nhơn (Ảnh: QNU)
Trường Đại học Quy Nhơn tọa lạc trên một khu đất rộng gần 14 ha, là trường đại học đa ngành, là trung tâm nghiên cứu ứng dụng, triển khai các tiến bộ khoa học và công nghệ, là nơi cung cấp nguồn nhân lực có trình độ cao cho khu vực miền Trung.
Hiện nay, khuôn viên nhà trường đã được quy hoạch tổng thể và từng bước xây dựng theo tinh thần kết nối truyền thống, đa dạng, hiện đại và khoa học. Tuy nhiên, trong xu thế gắn kết giữa phát triển kinh tế xã hội với đào tạo, chúng tôi nhận thấy, Trường đại học Quy Nhơn cũng là một điểm tham quan văn hoá cần được đầu tư khai thác phục vụ cho các tuyến điểm tham quan về văn hoá, khoa học, lịch sử ở thành phố biển xanh.
1.1 Ngôi trường có bề dày truyền thống văn hoá và đào tạo
Tiền thân của trường đại học Quy Nhơn là trường sư phạm Quy Nhơn. Trong Ai có về Quy Nhơn (biên khảo, Tủ sách đẹp quê hương xuất bản 1973), Trần Đình Thái đã viết: “Trường sư phạm là trường đàn anh tại Quy Nhơn. Ngoài nhiệm vụ đào tạo giáo chức Tiểu học, Trường còn mở những khoá tu nghiệp hè cho giáo chức Tiểu học tại các ty Tiểu học thuộc Vùng I và vùng II. Trường Sư phạm Quy Nhơn tọa lạc trên một khu đất thật rộng rãi ở khu 6, mặt giáp đường Nguyễn Huệ (nay là đường An Dương Vương – VĐP chú thích), được kiến trúc bởi một đồ án đồ sộ, với kinh phí 20 triệu, thời gian xây cất là 1 năm rưỡi. Khánh thành vào ngày 03 tháng 10 năm 1962”. Toàn bộ kiến trúc của trường Sư phạm Quy Nhơn lúc bấy giờ do KTS Ngô Viết Thụ (cũng là người thiết kế Dinh Độc Lập tại Sài Gòn) thiết kế bản vẽ công trình vào năm 1959.
Theo ghi nhận của Nguyễn Dũ (cựu giáo sinh Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn), trong suốt 13 năm tồn tại, trên lĩnh vực văn hoá nghệ thuật, nhiều anh chị em giáo sinh đã trở thành những văn thi sĩ nổi tiếng, tiêu biểu có Trịnh Công Sơn, Lê Văn Ngăn, Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Mang Viên Long… với lòng nhiệt huyết, tài năng và được sống trên mảnh đất địa linh nhân kiệt, họ đã dâng hiến cho đời những tác phẩm ý nghĩa và giàu tính triết lý. Có thể nói với vị trí đặc biệt, trường Sư phạm Quy Nhơn đã từng là nguồn cảm hứng của biết bao thi nhân mặc khách, bãi biển thơ mộng, hàng phi lao réo rắt trong gió chiều, sân trường tràn ngập những sắc màu kì ảo của các chủng hoa sứ khi nắng hè về. Đó là những điều lí thú mà không phải nơi nào cũng có được.
Sau tháng 04 năm 1975, trường được đổi thành Trường Cao Đẳng Sư phạm Quy Nhơn. Cuối năm 1977, “cơ sở Đại học Sư phạm Quy Nhơn được thành lập theo Quyết định số 1842/QĐ ngày 21.12.1977 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Gần 4 năm sau, Hội đồng Bộ trưởng đã ra Quyết định số 02/HĐBT ngày 13.7.1981 thành lập Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn. Ngày 30.10.2003, Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 221/2003/QĐ-TTg đổi tên thành Trường Đại học Quy Nhơn để xây dựng trường đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, đóng góp tích cực vào sự nghiệp giáo dục - đào tạo, vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội cho các tỉnh khu vực Duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên và cả nước, góp phần vào sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc” (theo website của Trường Đại học Quy Nhơn).
Hiện nay, theo đánh giá khách quan của các cá nhân và tổ chức đã và đang hợp tác với Nhà trường, Trường Đại học Quy Nhơn là một trong những ngôi trường có vị trí đẹp nhất khu vực Đông Nam Á. Trong một vị thế trước biển, sau núi, hai bên có đầm phá và núi đèo bao bọc, Trường Đại học Quy Nhơn như một toà kiến trúc hùng dũng hiên ngang tiến ra biển lớn. Các thế hệ sinh viên đã và đang học tập tại đây luôn tự hào về một ngôi trường thân yêu, giàu truyền thống học tập và văn hoá.
1.2 Trung tâm thông tin tư liệu Trường Đại học Quy Nhơn – một kiến trúc độc đáo và thú vị
Toà nhà Trung tâm học liệu Trường Đại học Quy Nhơn hiện này là một trong những kiến trúc tôn giáo quan trọng do người Pháp xây dựng còn sót lại ở thành phố. Hình ảnh đầu tiên gây ấn tượng đối với chúng ta đó là màu vàng đậm truyền thống của các chủng viện công giáo được in trên một nền trời xanh, được bao bọc bởi các rặng liễu và tán cây xanh thẫm. Dù kiến trúc Gothic được nhận biết phổ biến nhất bằng việc sử dụng các mái vòm, nhưng giống như mọi phong cách khác, kiểu kiến trúc này đều mang những đặc trưng riêng về kỹ thuật, tiêu biểu nhất là hình ảnh hai toà nhà đăng đối tạo nên nét hài hoà, thống nhất. Chiều cao tương đối, xen kẽ giữa khoảng trống và yếu tố kiến trúc là sự hợp nhất về không gian, sắp đặt về ánh sáng và màu sắc tạo nên một cảm giác khá hợp lý về mặt thể tích.

Trung tâm thông tin tư liệu Trường Đại học Quy Nhơn (Ảnh: Lê Thanh Hải)
Về lịch sử, trước năm 1963, đây là một tiểu chủng viện của giáo phận Quy Nhơn. Năm 1963, cơ sở này đã được cho các sư huynh Lasan thuê để mở trường Trung học Lasan với thời hạn là 9 năm. Đến năm 1972, hết hợp đồng, các sư huynh Lasan đã hoàn trả lại cho giáo phận để mở một ngôi trường mới là Trường Tư thục Vi Nhân. Trường gồm hai dãy nhà lầu 3 tầng, một dãy dài 30 m, một dãy dài 27,5 m, một dãy nhà trệt có 4 phòng học, trong khuôn viên của trường có 1 sân bóng tròn, hai sân bóng rổ, 4 sân bóng chuyền. Sau năm 1975, cơ sở được chuyển giao quyền sử dụng lại cho trường Cao đẳng sư phạm Quy Nhơn, đến năm 1977 thì trở thành một bộ phận của cơ sở Đại học Sư phạm Quy Nhơn (tức Trường Đại học
Sư phạm Quy Nhơn (1981), Trường Đại học Quy Nhơn (2003) sau này).
Hiện nay, sau nhiều lần tu sửa nhưng diện mạo đặc trưng của toà kiến trúc vẫn còn giữ được khá nguyên vẹn, tạo nên một điểm nhấn quan trọng hấp dẫn khách phương xa đến tham quan trường trong mỗi chuyến công tác. Nếu kết nối hành trình di sản văn hoá của phương Tây, văn hoá Pháp trên địa bàn Bình Định, địa điểm này không thể không được nhắc đến.
1.3. Vườn tượng danh nhân văn hoá, khoa học – nơi tôn vinh trí tuệ và nhân cách
Theo khảo sát của chúng tôi, trên địa bàn thành phố Quy Nhơn hiện nay có 03 khu vườn tượng, 02 trong số đó đang tọa lạc tại Bệnh viên trung ương da liễu Quy Hoà, các tôn tượng ở đây chủ yếu là các danh nhân, giáo sư y học. Riêng ở nội thành Quy Nhơn, vườn tường danh nhân văn hoá – khoa học của trường Đại học Quy Nhơn là một địa điểm khá kì thú. Vườn tượng này được xây dựng trên cơ sở ý tưởng của Ban chấp hành Đoàn thanh niên nhân kỉ niệm 30 năm thành lập Trường (2007), hệ thống tôn tượng danh nhân ở đây bao gồm những danh nhân văn hoá, nhà khoa bảng, nhà khoa học, giáo sư đầu ngành trong các lĩnh vực khoa học cơ bản.
Có thể nói, đây không chỉ là tấm lòng của tuổi trẻ Đại học Quy Nhơn đối với Nhà trường mà còn là biểu tượng của một nền học thuật đa dạng mà sứ mệnh, tầm nhìn và nhiệm vụ đào tạo của Trường Đại học Quy Nhơn đang hướng đến. Đến với điểm tham quan này, chúng ta sẽ được tìm hiểu hơn về tiểu sử, hành trạng cũng như các tác phẩm tiêu biểu của các thế hệ tiền nhân đã cung hiến cho nền văn hoá, văn minh nhân loại. Ngoài ra, bên cạnh các ý nghĩa học thuật ấy, qua bàn tay của điêu khắc gia Lê Ân (Bình Định), các pho tượng này đã tạo nên một dáng vẻ thanh thoát trong khuôn viên thư viện nhà trường, vừa là lối đi vào trung tâm thông tin tư liệu nhà trường, nhưng đồng thời cũng là những chỉ dẫn để các thế hệ sinh viên tìm đến với tri thức nhân loại, một điều không thể thiếu trên con đường học tập và nghiên cứu ở ngôi trường danh tiếng này.
2. Trường Đại học Quy Nhơn – nơi đồng hành cùng văn hoá và khoa học
Trong 5 năm trở lại đây, thành phố Quy Nhơn đã trở thành một điểm du lịch hấp dẫn và kì thú. Sơn thuỷ hữu tình, các dạng địa hình đều hội tụ đủ, Quy Nhơn đã tạo nên một sự khác biệt so với Nha Trang và Đà Nẵng. Không hiện đại hay kì vĩ như Thành phố Đà Nẵng, khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, không đon đả, nhộn nhịp như thành phố Nha Trang; thành phố Quy Nhơn vốn có nét thâm trầm, hồn nhiên, hồ hởi của một miền thi ca. Đến với Quy Nhơn, ắt hẳn nhiều du khách đều biết đến Đồi thi nhân – nơi an nghỉ của Hàn Mặc Tử, Tháp Đôi – di sản văn hoá Chăm mang phong cách tiêu biểu của Bình Định, biển xanh rì rào sóng vỗ và gần đây hơn cả là Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE) thành phố Quy Nhơn, Bình Định – nơi gặp gỡ của các nhà khoa học và người yêu khoa học. Đúng như GS Trần Thanh Vân – nhà sáng lập trung tâm đã nhận định: Bình Định - điểm đến của các nhà khoa học đỉnh cao quốc tế, Gặp gỡ Việt Nam cùng với sự ra đời của Trung tâm nghiên cứu khoa học giáo dục, Bình Định sẽ là "điểm hẹn" hấp dẫn cho các nhà khoa học trong và ngoài nước. Theo nhà báo Dương Tâm, Tạp chí Business Insider ngày 14/7, Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE) ở Quy Nhơn (Bình Định) lọt vào danh sách 16 công trình được đề cử cuối cùng của Liên hoan kiến trúc thế giới 2017 cho hạng mục công trình kiến trúc giáo dục đại học và nghiên cứu đẹp nhất.
Để tạo nên những thay đổi và sức hấp dẫn mới, nếu đặt Trường Đại học Quy Nhơn bên cạnh Trung tâm ICISE, khu du lịch Ghềnh ráng, Quy Hoà, hệ thống tượng đài kỉ niệm danh nhân ở Quảng Trường Nguyễn Tất Thành, Trần Hưng Đạo, Quang Trung hoặc trong tuyến điểm tham quan du lịch tìm hiểu về khoa học và văn hoá của thành phố Quy Nhơn, chúng tôi tin rằng, du khách sẽ có những bất ngờ và khám phá kì thú. Sự gắn kết giữa khoa học và lịch sử, khoa học và văn hoá không chỉ tạo nên nét thâm trầm của một địa điểm văn hoá có truyền thống hơn nửa thế kỉ mà còn là một điểm nhấn quan trọng về vị trí chiến lược của trường Đại học Quy Nhơn đối với sự phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của thành phố hôm nay.
Võ Định Phong (Theo Khoa học và Kỹ thuật)