SHL - Với chủ đề "Chuyển đổi số trong văn hóa đọc", Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 4 năm 2025 tại Thư viện Trường Đại học Quy Nhơn diễn ra từ ngày 21/4 đến ngày 25/4/2025 với nhiều hoạt động phong phú, sáng tạo. Đây là sự kiện thiết thực nhằm chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4).
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phát động tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 4 năm 2025, với nhiều nội dung góp phần phát triển văn hóa đọc, lan tỏa các giá trị của sách và việc đọc sách tới mọi tầng lớp nhân dân. Sự kiện năm nay chuyển tải những thông điệp sâu sắc như: “Văn hóa đọc – Kết nối cộng đồng”, “Cùng sách bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, “Đọc sách – làm giàu tri thức, nuôi dưỡng khát vọng, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo”.

TS. Đinh Anh Tuấn - Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc
Đây thực sự là những mục tiêu thiết thực, phản ánh tầm quan trọng của việc phát triển văn hóa đọc trong thời đại ngày nay, đặc biệt trong bối cảnh khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang trở thành xu thế tất yếu, phù hợp với tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị.
Hưởng ứng tinh thần đó, Nhà trường tổ chức Tuần lễ Ngày Sách và Văn hóa đọc năm 2025 với chủ đề “Chuyển đổi số trong văn hóa đọc”, nhằm tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò không thể thiếu của sách trong đời sống xã hội; đồng thời thúc đẩy văn hóa đọc sâu rộng trong cộng đồng, không chỉ giới hạn ở các tài liệu in truyền thống mà còn mở rộng trên các nền tảng số.

Các diễn giả giao lưu cùng sinh viên và bạn đọc
Phát biểu khai mạc sự kiện, TS. Đinh Anh Tuấn – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Quy Nhơn khẳng định rằng trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0 và xu hướng chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay, việc thúc đẩy văn hóa đọc không chỉ dừng lại ở những giá trị truyền thống mà còn cần được tích hợp với các công nghệ hiện đại để nâng cao khả năng tiếp cận tri thức cho người học. Phó Hiệu trưởng nhấn mạnh: “Đọc sách là con đường ngắn nhất để mỗi người tự nâng tầm tri thức, tư duy và nhân cách. Việc kết hợp giữa sách truyền thống và nền tảng số sẽ mở ra không gian học tập rộng mở, sáng tạo cho thế hệ trẻ.”
Điểm nhấn của chương trình năm nay tại Thư viện QNU là chuỗi hoạt động ứng dụng công nghệ như:
• Trải nghiệm và trưng bày công nghệ VR (ngày 21 và 22/4/2025 tại Phòng Đọc mở 1 – Thư viện QNU).
• Mini game “Đoán tên sách qua ảnh” (từ ngày 21/4 đến 25/4/2025).
• Cuộc thi ảnh “Góc đọc sách yêu thích của tôi” (từ ngày 21/4 đến 24/4/2025) trên fanpage Thư viện Trường Đại học Quy Nhơn.
• Tra cứu tài liệu số qua trí tuệ nhân tạo (AI), hệ thống LMS (ngày 21 và 22/4/2025 tại Phòng Đọc mở 1 – Thư viện QNU).
• Gian hàng sách, triển lãm sách, tài liệu tham khảo, tặng sách cho bạn đọc (ngày 21/4/2025 tại Thư viện QNU).
• Tọa đàm với chủ đề “Chuyển đổi số trong văn hóa đọc” cùng các diễn giả (ngày 21/4/2025 tại Phòng Đọc mở 1 – Thư viện QNU).

Viên chức và sinh viên QNU trải nghiệm công nghệ VR tại buổi khai mạc Ngày sách

Hơn 1.000 đầu sách được trưng bày tại Thư viện QNU
Với hơn 1.000 đầu sách được tuyển chọn kỹ lưỡng và trưng bày sinh động, Tuần lễ Ngày Sách và Văn hóa đọc 2025 tại Thư viện QNU đã nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt từ đội ngũ giảng viên, sinh viên cùng đông đảo bạn đọc trong và ngoài trường.
Các hoạt động trong khuôn khổ sự kiện đã tạo nên một không gian văn hóa đọc sôi nổi, hiện đại, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần và học thuật trong môi trường giáo dục. Qua đó, sự kiện khẳng định vai trò thiết yếu của sách – cả truyền thống lẫn số hóa – trong việc mở rộng tri thức, nuôi dưỡng tư duy phản biện và hình thành nhân cách toàn diện cho người học trong thời đại chuyển đổi số.
Minh Hiền