SHL - Từ cảng Cát Lái (Thành phố Hồ Chí Minh), tàu Hải quân 561 đã thực hiện chuyến hải trình 7 ngày đêm vượt trùng khơi đưa Đoàn công tác số 17 của Bộ GD&ĐT thăm quần đảo Trường Sa - vùng biển đảo thiêng liêng ở cực Đông của Tổ quốc. Đây là hành trình đến với miền yêu thương và điểm đến đến của hàng triệu con tim yêu nước.
Từ ngày 02/5/2025 đến 08/5/2025, Trường Đại học Quy Nhơn vinh dự là một trong các cơ sở giáo dục đại học tiêu biểu tham gia đoàn công tác đặc biệt đến với quần đảo Trường Sa – nơi đầu sóng ngọn gió, nơi từng tấc đất, từng con sóng đều thấm đẫm tình yêu Tổ quốc.

Đoàn công tác số 17 chuẩn bị xuất phát tại Cảng Cát Lái (TP. Hồ Chí Minh)
Chuyến đi là một hành trình của trái tim, mang theo niềm tự hào, sự tri ân và trách nhiệm thiêng liêng của những người làm công tác giáo dục đối với biển đảo quê hương. Đại diện Nhà trường, PGS.TS. Đoàn Đức Tùng – Hiệu trưởng đã cùng đoàn công tác gồm 200 đại biểu từ Bộ GD&ĐT, Ban Nội chính Trung ương, các học viện, trường đại học trên cả nước, vượt sóng ra khơi, mang theo tình cảm nồng ấm của đất liền đến với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đang ngày đêm bám trụ nơi đảo xa.
Trước khi con tàu HQ 561 rời bến tại Cảng Cát Lái, Đoàn công tác đã tổ chức phát động thi đua với chủ đề “Đoàn kết, nghĩa tình, lập công, quyết thắng”, tạo khí thế sôi nổi, động viên, cổ vũ khích lệ các thành viên phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, khắc phục khó khăn, nêu cao ý chí quyết tâm, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đi thăm, động viên quân và dân trên quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK-1.

PGS.TS. Đoàn Đức Tùng (thứ ba, bên trái sang) cùng đoàn công tác số 17 thăm, tặng quà quân và dân ở Đảo Trường Sa
Quần đảo Trường Sa trải dài hơn 700 km trên vùng biển phía Nam của Tổ quốc, với gần 40 đảo, đá ngầm, bãi cạn…, hơn 20 nhà giàn (DK). Đây là khu vực có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, nơi mà cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo vẫn đang diễn ra âm thầm nhưng quyết liệt. Trong khi chúng ta được sống trong sự bình yên nơi đất liền, thì ở Trường Sa, các chiến sĩ và người dân vẫn ngày đêm kiên cường bám trụ, giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Hiện nay, nhiều đảo đã có hộ dân sinh sống, được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng, phủ xanh cây cối, cải thiện điều kiện sống và làm việc. Những hình ảnh ấy là minh chứng sống động cho niềm tin vững chắc vào sự phát triển bền vững và chủ quyền không thể tách rời của Việt Nam trên biển Đông.

PGS.TS. Đoàn Đức Tùng (thứ nhất, bên trái sang) cùng đoàn công tác số 17 thăm, tặng quà quân và dân ở Đảo Đá Tây
Trong chuyến hành trình, đoàn đã tham gia nhiều hoạt động như lễ chào cờ, duyệt đội ngũ, dâng hương đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ và Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Trường Sa; tổ chức lễ tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc tại vùng đảo Cô Lin - Len Đao - Gạc Ma; luyện tập - giao lưu văn nghệ, tham gia tìm hiểu về chủ quyền biển đảo Việt Nam, trao tặng những phần quà ý nghĩa tại 5 đảo và 1 nhà giàn, gồm: Cô Lin, Sinh Tồn, Đá Đông, Đá Tây, Trường Sa lớn và nhà giàn DK-1/15 (Phúc Nguyên). Những món quà tuy giản dị nhưng chứa đựng biết bao yêu thương, góp phần tiếp thêm động lực, niềm tin cho những người lính biển và bà con nơi đây. Mỗi cái bắt tay, mỗi ánh mắt, mỗi lời ca vang lên giữa biển trời Tổ quốc đều là minh chứng sống động cho tình đoàn kết, cho khát vọng hòa bình và sự gắn bó keo sơn giữa đất liền và hải đảo. Ngoài ra, Đoàn công tác cũng làm bản tin truyền thanh nội bộ và tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Hải quân Nhân dân Việt Nam.
Trong thời đại chuyển đổi số và hội nhập toàn cầu, sự hiện diện của Trường Đại học Quy Nhơn tại Trường Sa không chỉ là lời tri ân, mà còn là cam kết mạnh mẽ về trách nhiệm xã hội. Nhà trường mang theo tri thức, công nghệ và cả những ước mơ học tập, như một cách tiếp sức cho những người đang ngày đêm gìn giữ chủ quyền biển đảo thiêng liêng.

PGS.TS. Đoàn Đức Tùng tham gia lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo
Chuyến đi đã khép lại, nhưng dư âm của nó sẽ còn đọng lại mãi trong trái tim mỗi thành viên tham gia – đi mang theo tình cảm, trở về mang theo niềm tin. Trường Sa không chỉ là điểm đến, mà là nơi để trở về trong trái tim mỗi người – nơi nhắc nhớ rằng, tình yêu Tổ quốc bắt đầu từ những điều giản dị nhất: một ánh nhìn, một lời hỏi thăm, một bàn tay nắm chặt giữa trùng khơi.
Đây là một trong những hoạt động thường niên đầy ý nghĩa, dự kiến sẽ được tổ chức luân phiên với quy mô mở rộng, mỗi lượt có khoảng 160–180 đại biểu tham gia. Mỗi hành trình kéo dài khoảng 1 tuần để thăm hỏi, giao lưu và trao tặng những phần quà thiết thực, mang theo tình cảm của đất liền gửi đến nơi đầu sóng ngọn gió.
Đoàn công tác số 17 có đại diện của Bộ GD&ĐT, Ban Nội chính Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Quốc phòng, Tổng cục Hậu cần Kỹ thuật, Học viện Hàng không, cùng các trường đại học, cao đẳng, doanh nghiệp, các cơ quan báo chí truyền thông.
|
Minh Hiền