Sáng ngày 22 tháng 12 năm 2019, Trường Đại học Quy Nhơn đã phối hợp với công ty FPT Software và Hiệp hội Data/AI thành phố Hồ Chí Minh (DatAI@SG) tổ chức Hội thảo Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo tại Hội trường B, Trường Đại học Quy Nhơn.
Tham dự Hội thảo, về phía Nhà trường có PGS.TS. Đỗ Ngọc Mỹ - Hiệu trưởng; Lãnh đạo Phòng KHCN&HTQT; Lãnh đạo các khoa: Toán và Thống kê, Công nghệ thông tin, Kỹ thuật và Công nghệ, Sư phạm; Viện Nghiên cứu ứng dụng KH&CN; giảng viên, học viên sau đại học, sinh viên các khoa: Toán và Thống kê, Công nghệ thông tin, Kỹ thuật và Công nghệ, Sư phạm. Về phía đại biểu gồm có Ông Nguyễn Ngô Duy Bình, Giám đốc TMA Solutions Bình Định, Ông Vũ Văn Đông, Giám đốc FSOFT Quy Nhơn, Ông Lê Đắc Liêm, Trưởng Lab AI Quy Nhơn, Ông Trần Hoàng Anh Nguyên, Trưởng Lab Data Science Quy Nhơn, Ông Nguyễn Văn Tấn, Trưởng phòng lập trình tại chi nhánh Quy Nhơn; Báo cáo viên, chuyên gia đến từ các trường đại học và các công ty; Học sinh các trường trung học phổ thông trên địa bàn Thành phố Quy Nhơn.
PGS.TS. Đỗ Ngọc Mỹ - Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS. Đỗ Ngọc Mỹ - Hiệu trưởng nhấn mạnh sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghệ 4.0 kích thích nhu cầu tuyển dụng các vị trí nhân sự trong ngành khoa học máy tính và công nghệ thông tin. Nguồn nhân lực hướng đến là sinh viên các ngành Toán, Công nghệ thông tin và Kỹ thuật công nghệ của Nhà trường. Đây là điều kiện thuận lợi để sinh viên có cơ hội việc làm tốt, đa dạng ngành nghề và vẫn dựa trên nền tảng Toán học khi ra trường. nếu sinh viên được đào tạo nền tảng toán học vững chắc, có hiểu biết và yêu thích công nghệ thông tin cùng với ngoại ngữ và kỹ năng mềm tốt sẽ dễ dàng có được việc làm với mức thu nhập cao ở trong nước lẫn nước ngoài.
Hội thảo là cơ hội cho các thầy, cô giáo, sinh viên và các bạn học sinh phổ thông có dịp gặp gỡ, giao lưu với các chuyên gia hàng đầu trong nước và trên thế giới về Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo. Hội thảo cũng là nơi trao đổi học thuật và ứng dụng của Toán học trong các lĩnh vực khoa học khác, đặc biệt là Toán trong Công nghiệp, một xu thế mới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Ngoài ra, Công ty TNHH Phần mềm FPT (FPT Software) đã trao 05 suất học bổng, mỗi suất 20 triệu đồng cho sinh viên của ngành Toán ứng dụng và Sư phạm Toán của Trường Đại học Quy Nhơn.

Công ty TNHH Phần mềm FPT (FPT Software) trao 05 suất học bổng

Cùng ngày, vào lúc 14h00 tại Phòng họp B, Trường Đại học Quy Nhơn cũng đã diễn ra Hội thảo bàn tròn với chủ đề “Education for AI”. Hội thảo được dẫn dắt bởi 3 diễn giả: TS. Lê Công Trình, Trưởng Khoa Toán và Thống kê, Trường Đại học Quy Nhơn, TS. Nguyễn Hữu Tình, Khoa Công nghệ Thông tin, Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh và TS. Nguyễn Phúc Sơn, Khoa Toán Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế-Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
Chương trình còn có sự hiện diện của Ông Vũ Đức Phú, Giám đốc công ty nghiên cứu tài chính WorldQuant, chi nhánh Việt Nam, Ông Lê Đắc Liêm, Phó Giám đốc FSoft Quy Nhơn, Ông Nguyễn Ngô Duy Bình, Giám đốc TMA Solutions Bình Định, TS. Đặng Quang Vinh, chuyên gia nghiên cứu dữ liệu tại TranData, FPT Software, TS. Lê Xuân Vinh, Trưởng Phòng Đào tạo Đại học, TS. Lê Xuân Việt, Trưởng Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Quy Nhơn và nhiều giảng viên, sinh viên đến từ các Khoa: Toán và Thống kê, Công nghệ thông tin, Kỹ thuật và Công nghệ.

TS. Lê Công Trình, Trưởng Khoa Toán và Thống kê phát biểu
Tại hội thảo, TS. Lê Công Trình đã giới thiệu các tiềm lực hiện có của Khoa về đội ngũ nhân sự, về đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế và bày tỏ sự quyết tâm của Khoa trong việc mở các ngành mới về Toán ứng dụng, chuyên ngành Khoa học dữ liệu và Thống kê. Để phát triển đào tạo, Ông mong muốn nhận được sự hỗ trợ, đồng hành của các doanh nghiệp cùng với Khoa trong việc tuyển sinh và đào tạo.
TS. Nguyễn Phúc Sơn đã giới thiệu và chia sẻ một số kinh nghiệm về xây dựng lab nghiên cứu AI tại Khoa Toán Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế-Luật TP. Hồ Chí Minh. Ông Sơn cũng đã chia sẻ câu chuyện thú vị về cơ duyên dẫn Ông từ một nhà Tôpô đại số chuyển sang làm về Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo.
Phần cuối của chuỗi bài báo cáo, TS. Nguyễn Hữu Tình chia sẻ một số kinh nghiệm trong việc xây dựng nhóm nghiên cứu AI tại Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh.
Các diễn giả và những người tham dự đã chia sẻ những câu chuyện thú vị liên quan đến AI dựa trên các kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn. Đặc biệt, các doanh nghiệp tham gia cũng nhấn mạnh các tiêu chuẩn tuyển dụng hiện nay đặt ra cho ứng viên là phải chuẩn bị đầy đủ các kiến thức về toán học tính toán, tối ưu, thống kê, có kỹ năng lập trình và hiểu biết tương đối về xu hướng phát triển của xã hội. TS. Trình cho hay: Với những yêu cầu này, chương trình đào tạo Toán ứng dụng của Khoa Toán và Thống kê hiện tại đã tương đối đáp ứng được.
Hội thảo đã quy tụ được những nhà khoa học nhiệt huyết và những nhà doanh nghiệp làm việc trong lĩnh vực AI. Trải qua quá trình học tập và làm việc hăng say, họ là những người tiên phong trong công cuộc nghiên cứu và ứng dụng AI vào các lĩnh vực, thúc đẩy sự phát triển và cạnh tranh, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới cho xã hội./.
P.D