
KHCN&HTQT- Hướng đến tự chủ đại học, Trường Đại học Quy Nhơn đã không ngừng tăng cường hợp tác quốc tế, xác định đây là hướng đi mũi nhọn nhằm đẩy nhanh quốc tế hóa Nhà trường, nâng cao năng lực quản trị, năng lực nghiên cứu, chất lượng giảng viên, chuyển giao công nghệ, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, củng cố vị thế của trường trong thời kỳ hội nhập.
Nhà trường chú trọng phát triển hợp tác sâu sắc trong đào tạo, nghiên cứu với tất cả các trường đại học, tổ chức, viện nghiên cứu trên thế giới. Nhiều Biên bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác song phương và đa phương trong đào tạo và nghiên cứu đã được ký kết và đang triển khai hiệu quả giữa Trường Đại học Quy Nhơn và các trường đại học danh tiếng đến từ Bỉ, Pháp, Đức, Hà Lan, Ý, Bồ Đào Nha, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Lào... Nhờ đó, các giảng viên và sinh viên Nhà trường có nhiều cơ hội để mở rộng kiến thức cũng như tiếp cận với môi trường giáo dục và nghiên cứu tiên tiến trên thế giới.
Hiện nay Trường có khoảng 750 giảng viên và viên chức với trên 14.000 sinh viên; 46 chương trình đào tạo trình độ đại học, 21 chương trình đào tạo trình độ thạc sỹ và 3 chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ với các lĩnh vực khoa học khác nhau như khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, khối ngành kỹ sư, kinh tế, tài chính, quản trị... Trong chiến lược phát triển và xu thế quốc tế hóa đại học, Trường Đại học Quy Nhơn chú trọng phát triển chất lượng đội ngũ giảng viên và các nhóm nghiên cứu khoa học mạnh. Trên cơ sở đội ngũ giảng viên trẻ có năng lực được đào tạo ở các nước châu Âu, châu Á có nền khoa học phát triển, Nhà trường định hướng xây dựng chương trình hợp tác đào tạo bậc đại học, thạc sĩ, tiến sĩ theo các chương trình tiên tiến quốc tế bằng tiếng Anh.
Là một trường đại học công lập lớn của khu vực miền Trung - Tây Nguyên với sứ mệnh đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; bồi dưỡng nhân tài; nghiên cứu khoa học, truyền bá tri thức và chuyển giao công nghệ; phục vụ hiệu quả sự phát triển bền vững của đất nước nói chung và khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên nói riêng, Trường Đại học Quy Nhơn đã và đang nhận được nhiều tài trợ cho các dự án tăng cường năng lực và nghiên cứu khoa học từ các tổ chức quốc tế như Uỷ ban châu Âu (European Commission); Tổ chức Hợp tác phát triển đại học (VLIR-UOS), Cơ quan phát triển Bỉ (BTC); Viện hàn lâm khoa học thế giới (TWAS), Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (KIST); FHI360 (Hoa Kỳ)... Thông qua các dự án này, uy tín và vị thế Nhà trường được nâng cao trong khu vực và trên toàn thế giới. Ngoài ra, Trường Đại học Quy Nhơn đã và đang đẩy mạnh công tác tổ chức các nghị, hội thảo, chuyên đề khoa học quốc tế để tăng cường sự giao lưu, kết nối, hợp tác với các nhà khoa học, các tổ chức khoa học uy tín. Nhiều công trình nghiên cứu, bài báo khoa học đã được công bố trên các tạp chí uy tín cả trong nước và quốc tế.
Nhà trường liên kết chặt chẽ với Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) trong việc tổ chức các hội nghị, hội thảo tầm khu vực và quốc tế. Mối quan hệ hợp tác này đã giúp tăng cường, mở rộng và đa dạng lĩnh vực hợp tác quốc tế của Nhà trường, đặc biệt là kết nối với các nhà khoa học học uy tín thế giới trong hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học nói chung và khoa học cơ bản nói riêng. Đến nay, Nhà trường đã xác lập quan hệ hợp tác toàn diện với các đối tác thuộc Ủy ban châu Âu, khu vực Đông Nam Á và khu vực Đông Á.
Với bề dày lịch sử, năng lực và tiềm lực học thuật, số lượng sinh viên lớn và vị trí địa – chính trị, cùng với sự hỗ trợ tối đa của Bộ Giáo dục và Đào tạo và UBND tỉnh Bình Định, Trường Đại học Quy Nhơn được mong đợi sẽ là đơn vị đi đầu trong quá trình quốc tế hóa đại học của khu vực Miền Trung và cả nước. Để đạt được điều đó, Nhà trường luôn mong muốn chào đón các đối tác là các trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức quốc tế , các tổ chức phi chính phủ… tiếp tục liên hệ tìm hiểu cơ hội hợp tác với Trường trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và giao lưu văn hóa.
Trần Năm Trung
CT